Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt xác định cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tới 64%, tiếp tục là chủ lực của kinh tế địa phương này.

Tăng tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của Bình Dương. Ảnh minh họa: Gia Hân

Tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp


Đầu tháng 8/2024, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 15.800 đô la Mỹ; cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP…

Tỉnh cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị các hoạt động để phục vụ cho Lễ công bố Quy hoạch dự kiến sẽ tổ chức vào khoảng cuối tháng 9/2024.

Với việc tiếp tục xác định công nghiệp là mũi nhọn của nền kinh tế, Bình Dương định hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Số liệu từ Sở Công thương tỉnh Bình Dương cũng chỉ rõ, bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa đạt 40 - 45% của dệt may, da giày là cao nhất thì tiếp đến là sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ (chỉ 10 - 20%), điện tử, tin học, viễn thông (chỉ 15%) và 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao….

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Dương nhìn nhận, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp Bình Dương. Để phát triển ngành công nghiệp, tỷ lệ nội địa hoá ngành cần sớm được nâng cao.

Bình Dương cũng đã có nhiều động thái cho vấn đề này, cụ thể nhất hiện nay là tỉnh đã và đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để Công ty THACO Industries sớm xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) trên địa bàn.

Ngoài ra về chính sách, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, thời gian tới, Sở Công thương trình phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Nội dung quan trọng là tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 KCN ngành cơ khí (KCN Bắc Tân Uyên 1, tại TX. Tân Uyên) để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế lấy ngành công nghiệp làm chủ lực, Bình Dương còn định hướng 87% lao động sẽ qua đào tạo chuyên nghiệp nhằm phục vụ cho phát triển công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, tính toán để giải quyết 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý.

Làm công nghiệp xanh, có chọn lọc

Là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, Bình Dương hiện có 28 KCN đã đi vào hoạt động, cho thuê 7.000 ha đất, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93%. Tỉnh còn có 10 cụm công nghiệp và hàng ngàn nhà máy nằm xen kẽ các khu dân cư. Các nhà máy hoạt động đã tạo ra việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Hiện nay tỉnh Bình Dương đang tiếp tục mở thêm các KCN thu hút đầu tư nước ngoài.

Định hướng của tỉnh là ưu tiên xây dựng nền kinh tế công nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Tỉnh hiện thực hoá bằng ban hành Bộ Tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm, KCN trên địa bàn. Theo đó, tỉnh chủ động chọn lọc FDI vào địa phương với chính sách kêu gọi đầu tư có sự chuyển hướng sang những doanh nghiệp sản xuất mang tính công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp nội địa và có đặt trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại địa phương.

Với định hướng trên, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư phát triển bền vững tại Bình Dương. Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc điều hành World Trade Center Bình Dương New City (WTC Bình Dương) cho biết, trước xu thế chung cùng với kỳ vọng Bình Dương sẽ trở thành trung tâm giao thương thương mại thế giới mới, kết nối không chỉ giao thương các tỉnh trọng điểm phía Nam mà của toàn cầu, WTC đã và đang thực hiện chuyển đổi những mô hình KCN truyền thống sang KCN xanh, thông minh, còn với KCN xây mới thì đầu tư bài bản ngay từ đầu.

Theo bà Linh, đây là định hướng của Chính phủ Việt Nam mà doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Thậm chí, WTC đã kết hợp, nhận tư vấn từ nhiều đơn vị để không chỉ tiến hành chiến lược này ở Bình Dương mà còn ở hàng chục KCN trên cả nước.

Về phía lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, hiện Bình Dương đã có những mô hình phát triển hạ tầng trở thành kiểu mẫu, lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước. Với những thành tựu đó, tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế cao và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI.

Đây cũng được coi là cách đón đầu xu thế khi mà nhiều ông lớn cũng đang hướng đến tiêu chí đầu tư chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, dựa trên nền tảng phát triển hệ sinh thái thái công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh.

Nguồn: https://baodautu.vn/binh-duong-xac-dinh-cong-nghiep-tiep-tuc-la-dong-luc-tang-truong-chinh-d223025.html