Sau nhiều năm mở bán, hàng loạt dự án bất động sản ở Bình Dương cứ chây ì bàn giao khiến nhiều người chỉ biết "ôm mặt khóc" và cầu cứu cơ quan chức năng

Đứng đầu danh sách các dự án bất động sản (BĐS) ở Bình Dương làm khách hàng điêu đứng phải kể đến dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương. Dự án này có diện tích hơn 126 ha, tọa lạc tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An).

Làm liều bất chấp

Theo tìm hiểu, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP HCM (Fideco) làm chủ đầu tư dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương. Sau đó, Fideco liên doanh với Công ty Onshine Investments, Ltd thành lập Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương để thực hiện dự án. Đơn vị phân phối các sản phẩm đất nền tại dự án này là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng HHA (Công ty HHA, trụ sở ở phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM).

Đây có thể được xem là một trong những dự án đất nền lớn nhất của Bình Dương từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, với dự án này, UBND tỉnh Bình Dương phải 5 lần ra quyết định duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Lần cuối cùng là vào năm 2018, dự án được điều chỉnh quy hoạch tăng số dân và diện tích đất thương mại, giảm diện tích đất công cộng xuống nhiều lần.

Ngày 25-10-2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 3122/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng đối với khu đất có diện tích 1.100.870,3 m2 tại phường Tân Bình. Thời gian gia hạn là 24 tháng kể từ ngày 25-10-2019.

Dù mới được tái khởi động vào năm 2019 nhưng từ năm 2016, chủ đầu tư dự án Đông Bình Dương đã giao cho Công ty HHA tự mở bán, ký hợp đồng góp vốn và thu tiền của hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp với mức thu 95% tổng giá trị hợp đồng. Đáng nói, để "kéo khách", dù việc đền bù, giải phóng mặt bằng để làm hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương giao đất chưa xong nhưng chủ đầu tư dự án vẫn cố tình xây dựng trái phép hạ tầng kỹ thuật.

Dự án Tương Bình Hiệp đã hết thời hạn thực hiện, Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi

Tương tự, dự án nhà ở Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu làm chủ đầu tư được phê duyệt theo Quyết định 1192 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích hơn 306.348 m2. Theo quy hoạch, dự án này gồm các công trình nhà liền kề, khu nhà ở xã hội, công trình giáo dục, thương mại dịch vụ, công trình giao thông, cấp thoát nước... với tổng quy mô dân số 5.021-5.672 người.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, dù chỉ mới được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu đã tiến hành rao bán nền, ký hợp đồng nhận tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng.

Một dự án BĐS khác cũng khiến hàng trăm khách hàng "ôm mặt khóc" là dự án khu dân cư Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), với khoảng 3.700 nền. Đây là dự án do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư.

Đến nay, dự án này mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chi tiết 1/500. Thế nhưng, bằng hình thức "hợp đồng ủy quyền" cho đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Địa ốc Núi Hồng, nhiều khách hàng đã đóng tiền hơn một nửa trên một sản phẩm tại dự án.

Xử lý cách nào?

Theo hợp đồng mà chủ đầu tư "vẽ" ra với khách hàng về nội dung "hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư", số tiền mà khách hàng phải đóng nếu đồng ý mua nền tại dự án khu dân cư Nam Tân Uyên là khoảng 40%-60%/sản phẩm. Cụ thể, 1 lô đất có giá 937,5 triệu đồng thì khách hàng bắt buộc đóng trước số tiền 375 triệu đồng. Đáng nói, đây chỉ là số tiền trong hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng phải trả thêm phần chênh lệch cho đơn vị phân phối là Công ty Núi Hồng, với mức dao động từ khoảng 120 triệu đến 1 tỉ đồng.

Theo các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương ở những nơi các dự án trên tọa lạc, việc bán "lúa non" đã dồn hết thiệt thòi về cho người mua. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho hay dự án Nam Tân Uyên đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương và chưa có quyết định giao đất. Do đó, nếu như có tình trạng mua bán ở đây là mua dự án mà không có đất.

"Các hợp đồng theo kiểu giữ chỗ hay hợp tác đầu tư chỉ là dân sự, khi xảy ra tranh chấp hay dự án không thực hiện được, nhà nước không thể can thiệp" - ông Đoàn Hồng Tươi khuyến cáo.

Trở lại với dự án Tương Bình Hiệp, anh T., một khách hàng mua đất nền, cho hay năm 2017, anh đã chi tiền mua mấy lô tại đây. Dù trong hợp đồng với chủ đầu tư có giá là 7 triệu đồng/m2 nhưng đến tay anh thì giá đã đẩy lên 12-13,5 triệu đồng/m2 và khách hàng còn bị thu thêm 3 triệu đồng phí làm hợp đồng mới. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, anh T. phải đóng 30% trên tổng giá trị 1 nền đất.

Thế nhưng, sau gần 5 năm, dự án vẫn "án binh bất động". Anh T. cùng các khách hàng mua đất tại dự án này đã nhiều lần đòi chủ đầu tư thực hiện dự án hoặc trả lại tiền cho họ. Phía chủ đầu tư trả lời họ sẽ mua lại cho khách hàng nhưng với mức giá chỉ 8 triệu đồng/m2, nếu ai không đồng ý thì phải chờ họ hoàn tất thủ tục pháp lý của dự án. Mặc dù rất bất bình nhưng đa phần khách hàng đều chọn giải pháp "chờ đợi".

Riêng dự án Đông Bình Dương, theo tìm hiểu, cả chủ đầu tư lẫn đơn vị phân phối đã bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xử phạt nhiều lần, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Song đến nay, dự án vẫn "bất động".

Trước thực tế trên, ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS - Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết đối với dự án Đông Bình Dương và Tương Bình Hiệp, nhà nước không thể giao đất được vì chưa đền bù xong. "Đáng nói hơn, các dự án này đã quá thời gian thực hiện nên Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh Bình Dương buộc thu hồi và cho đấu thầu lại để chủ đầu tư khác thực hiện" - ông Vinh thông tin.

Bảy năm chưa có sổ!

Mới đây, một nhóm người mua đất tại dự án khu đô thị Mỹ Phước 4 - khu B (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã đến trụ sở chủ đầu tư để đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất mua đã 7 năm vẫn chưa có sổ khiến việc vay ngân hàng hay chuyển nhượng đều gặp khó khăn.

Lý giải về việc này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (chủ đầu tư dự án) cho rằng việc chậm trễ ra sổ cho khách hàng không phải từ nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp mà do ảnh hưởng của rất nhiều nguyên nhân khách quan, từ việc thay đổi quy hoạch về tuyến giao thông của địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án, đến thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư dẫn đến kéo dài thủ tục (?!).

"Ngày 31-12-2021, UBND tỉnh Bình Dương mới ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án. Chúng tôi đang gấp rút làm các thủ tục để có sổ cho khách hàng" - đại diện chủ đầu tư cam kết.

Theo: THẢO NGUYỄN / nld.com.vn