Ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ những dấu hiệu vi phạm tại Bình Dương liên quan tới Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2), trong đó có vai trò của cả ba thành viên trong Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khi để xảy ra những sai phạm trong các vụ góp vốn, chuyển nhượng "đất vàng" tại doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, trách nhiệm không chỉ ở doanh nghiệp mà còn bởi các lãnh đạo của tỉnh, khiến các cơ quan trung ương phải vào cuộc làm rõ.
Trách nhiệm trực tiếp
Theo các tài liệu công khai về các dự án, việc để Tổng công ty 3-2 xảy ra các vi phạm trong việc góp vốn, chuyển nhượng các khu đất 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú) hay 145ha (dự án sân golf) đều có trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương. Bản thân doanh nghiệp không thể "qua mặt" tỉnh như trước đây cơ quan chức năng của tỉnh từng công bố.
Đối với ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tái cử nhiệm kỳ 2020 - 2025), ngoài trách nhiệm người đứng đầu Tỉnh ủy, còn chủ trì một số cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về hoạt động của Tổng công ty 3-2.
Trong đó, tiêu biểu như cuộc họp giao ban của Thường trực Tỉnh ủy ngày 17-4-2017 "đồng ý chủ trương cho tổng công ty được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú".
Ngoài ra, với sai phạm trong tính tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty 3-2, ông Nam (khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời điểm ông Lê Thanh Cung là chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản 3444/UBND-KTN năm 2012 của UBND tỉnh xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương - là người có vai trò trực tiếp trong việc cho ý kiến chỉ đạo đối với các hoạt động của Tổng công ty 3-2.
Ông Cành ký nhiều văn bản cho chủ trương của Tỉnh ủy về việc sắp xếp các khu đất của Tổng công ty 3-2, chủ trương cho thoái vốn 30% của tổng công ty tại dự án 43ha (và sau đó thu hồi)...
Trong khi đó, ông Trần Thanh Liêm - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (đồng thời là phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020) - ngoài việc chịu trách nhiệm cùng Thường trực Tỉnh ủy đã ký một số văn bản như phê duyệt phương án cổ phần hóa, phê duyệt cơ cấu vốn cổ phần lần đầu và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cổ phần hóa Tổng công ty 3-2...
Ngoài các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương nêu trên, một số cán bộ từng giữ các chức vụ tham mưu như lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số phòng chuyên môn của hai văn phòng cũng có trách nhiệm liên đới trong việc tham mưu văn bản để trình lãnh đạo ký.
Biến hóa "đất vàng"
Sự vào cuộc của các cơ quan trung ương bắt nguồn từ vụ chuyển nhượng đất và vốn góp đối với 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú) tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, từng do Tổng công ty 3-2 quản lý, nay đã thuộc sở hữu của công ty tư nhân.
Trước đây, Tỉnh ủy Bình Dương từng cho phép Tổng công ty 3-2 góp vốn thành lập liên doanh với Công ty Âu Lạc (tư nhân) để kinh doanh trên khu đất 43ha. Hai bên thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Tân Phú (Tổng công ty 3-2 chiếm 30%, Công ty Âu Lạc 70% vốn điều lệ).
Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha sang cho liên doanh mới. Tuy nhiên, dù hợp đồng chuyển nhượng được ký vào năm 2016 nhưng hai bên vẫn lấy giá theo thỏa thuận góp vốn năm 2010, thấp hơn bảng giá đất nhà nước.
Tiếp theo, Tổng công ty 3-2 lại thoái vốn, chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Sau khi sở hữu 100% cổ phần của Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho doanh nghiệp khác. Tới lúc này, Tỉnh ủy Bình Dương mới có các văn bản thu hồi chủ trương cho chuyển nhượng 30% vốn góp.
Một sai phạm khác xảy ra tại Tổng công ty 3-2 là việc góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành (cạnh khu đất 43ha, cùng thuộc thành phố mới Bình Dương) để kinh doanh sân golf với hai đối tác Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau đó hai đối tác Hàn Quốc chưa góp đủ vốn đã rút khỏi liên doanh. Sau một hồi "biến hóa", chuyển nhượng qua lại thì hai cổ đông cuối cùng sở hữu là Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) và Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần).
Điều đáng nói, Công ty Phát Triển lại có cổ đông chính và người đại diện pháp luật là con gái của ông Nguyễn Văn Minh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3-2).
Việc mua bán cổ phần lòng vòng tại dự án 145ha và có sở hữu của người nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã xuất hiện những dư luận "lùm xùm" cùng với thời điểm vụ án 43ha được khởi tố, điều tra.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, liên quan tới một số sai phạm được cơ quan chức năng chỉ ra, hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã có báo cáo theo hướng khắc phục thiệt hại, thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian thực hiện và phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Tỉnh ủy Bình Dương nhận trách nhiệm, xin lỗi
Tối 16-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết không có ý kiến gì khác về kết luận đã công bố của Ủy ban Kiểm tra trung ương và các cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh để thông tin về các vụ việc đang được Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Công an làm rõ.
Tỉnh ủy Bình Dương cho biết các cá nhân, tập thể vi phạm đã kiểm điểm rõ vi phạm, chấp hành kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền và xin lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Về hướng khắc phục vi phạm, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết hiện nay Công ty Âu Lạc và Tổng công ty 3-2 đã nộp tổng cộng trên 252 tỉ đồng tiền chênh lệch giá chuyển nhượng đối với dự án 43ha, phần chênh lệch còn lại thì các doanh nghiệp cam kết sau khi có xác định chính thức của cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nộp bổ sung.
Đối với dự án 145ha, tới nay cả ba cổ đông đã có văn bản xin nhượng lại cổ phần cho doanh nghiệp 100% vốn thuộc Tỉnh ủy theo giá gốc theo sổ sách.
Nguồn: tuoitre.vn
0 Comments
Đăng nhận xét