Nhiều ngày qua, PV báo Tiền Phong theo dõi tại các khu vực xuất hiện tình trạng xe ben quá khổ, quá tải nối đuôi nhau chở cát, đá gây bụi phá nát đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Con đường ĐT 746 được người dân nơi đây đặt tên thành “con đường đau khổ”, bởi hằng ngày có cả trăm chiếc xe ben cỡ lớn nối đuôi nhau chở đá. Con đường nhựa bỗng chốc xuất hiện ổ voi, trong khi nhà dân, cây cối hai bên đường phủ bột đá trắng xóa.
Mặc dù đoạn đường ĐT 746 thuộc ấp 2, 3 liên tục được 3 đến 5 người dùng vòi tưới nước nhưng không thể chống được bụi từ đoàn xe ben thổi ra. Mặt khác, việc liên tục tưới nước khiến hai bên đường trở nên sình lầy gây khó khăn cho phương tiện xe máy mỗi khi đường có hai xe ben tránh nhau
“Nếu không có việc quan trọng, tôi chẳng dám ra ngoài vì đường xe ben nối đuôi chạy ầm ầm. Ngày qua ngày, chúng tôi phải hít bụi, còn nhà thì lâu chùi cả ngày không sạch . . Chúng tôi muốn bán nhà đi nơi khác ở nhưng đất, nhà nơi đây bán chẳng ai mua, hoặc mua thì giá rất thấp không đủ để di chuyển nơi khác”, một người dân sống bên đường ĐT 746 thuộc xã Thường Tân thở dài.
Trong khi đó, tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên (giáp xã Thường Tân, TX Tân Uyên), người dân nơi đây “kêu trời” bởi bị tra tấn tiếng nổ mìn, máy nghiền đá suốt ngày đêm. Bà H.T.N (xã Tân Mỹ) nói: “Ngoài đường xe ben chở đá chạy ầm ầm, trong mỏ đá thì tiếng nổ mìn, máy nghiền đá vang dội như tra tấn . Nhiều lúc đi làm, tôi có cảm giác sợ về nhà bởi bụi bám trắng nhà. Sống lâu thành quen nên đành chấp nhận”.
Được biết, Bình Dương hiện có hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản với trên 40 điểm, mỏ đá, sét gạch, cát. Tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên và xã Thường Tân, TX Tân Uyên (hai địa bàn gẩn nhau) hiện có hàng chục đơn vị đang hoạt động khai thác, chế biến đá; trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Thường Tân.
Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương và Công ty Cổ phần Đá Hoa Tân An với các mỏ đá quy mô lớn. Tuy nhiên, các xe ben vận chuyện đá ra khỏi mỏ chủ yếu được doanh nghiệp thuê từ bên ngoài.
Xe ben lộng hành, cơ quan quan chức năng nói gì?
Liên quan đến tình trạng xe ben lộng hành trên đường ĐT 746, đại diện Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết, theo quy định muốn kiểm tra các mỏ đá phải thành lập đoàn liên ngành và thực hiện theo lộ trình 3 năm 1 lần. Khi được hỏi, việc xe ben chạy ra khỏi mỏ đá có được xử lý? Đại diện đơn vị này khẳng định có thẩm quyền xử lý phương tiện sai phạm. Tuy nhiên, việc xử lý không dễ do xe ben vận chuyển đá từ mỏ đến bến thủy chỉ qua một đoạn đường rất ngắn.
“Khi phát hiện lực lượng chức năng thì tài xế cho phương tiện dừng lại, hoặc nhanh chóng tấp vào khu vực mỏ, lề đường rồi rời đi nên rất khó để xử lý. Việc xử lý các phương tiện chở đá phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị”, đại diện Sở GTVT Bình Dương nói.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Công an huyện Bắc Tân Uyên cho biết thêm, trong tháng 5/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 58 trường hợp chở hàng hóa vượt trọng tải, xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 43 trường hợp. Đáng chú ý nhất, rất nhiều phương tiện đã hết niên hạn sử dụng.
Tuy nhiên, việc xử lý các phương tiện gặp khó khăn vì tài xế nhanh chóng đóng cửa cabin, rời khỏi phương tiện khi bị phát hiện xử lý. Việc di chuyển các xe ben hết đát chở đầy đá về nơi tạm giữ khồng hề dễ dàng. Theo cơ quan chức năng, đa số xe ben vận chuyển đá ở mỏ đều được thuê từ các doanh nghiệp hoặc cá nhân bên ngoài. Giá trị của mỗi phương tiện rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng nên khi bị bắt, tài xế bỏ luôn xe.
0 Comments
Đăng nhận xét